Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn “chuẩn bị nước rút” của bà bầu cho sự ra đời của em bé. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin về cách chăm sóc bà bầu trong giai đoạn này mà các mẹ nhất định phải hiểu và nắm rõ.
Chăm sóc bà bầu về dinh dưỡng.
Vì chỉ còn một thời gian ngắn trước khi “vượt cạn” nên dinh dưỡng cho bà bầu trong ba tháng cuối thai kỳ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Bà bầu cần ăn các thực phẩm có hàm lương dinh dưỡng cao như thịt nạc, cá, sữa,… để không chỉ cung cấp các dưỡng chất cho thai nhi mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh trước và sau khi sinh.
Bà bầu nên ăn nhiều tôm, cua, gan, rong biển, rau củ và hoa quả tươi để cung cấp vitamin và các loại khoáng chất cần thiết như I ốt, sắt, canxi, kẽm,… cho cơ thể. Nếu thiếu những khoáng chất này, bà bầu sau khi sinh dễ bị thiếu máu, mệt mỏi và không có đủ sữa cho con.
Bên cạnh đó, bà bầu nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột và không nên ăn nhiều muối. Hãy cố gắng uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để hạn chế táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu và giúp cơ thể bà bầu đủ lượng nước ối cho quá trình sinh con.
Bà bầu nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa nên cách nhau khoảng 4 tiếng và tuyệt đối không được bỏ bất kỳ một bữa ăn nào. Việc chia nhỏ bữa ăn là một cách giúp bà bầu ăn ngon miệng, không gây áp lực cho dạ dày mà vẫn đủ no để có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Chăm sóc bà bầu về thể chất.
Đây là khoảng thời gian mà bà bầu luôn cảm thấy nặng nề và việc di chuyển cũng trở nên khó khăn hơn trước. Hãy cố gắng mặc những loại quần áo rộng rãi, làm bằng các chất liệu tự nhiên để giúp cơ thể thoáng mát, thoải mái, tạo ra sự thuận tiện hơn trong việc đi lại cũng như trong sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày.
Bà bầu cần đảm bảo mình được ngủ đủ giấc. Tốt hơn hết, bạn nên có nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày. Khi ngủ, bạn nên nằm nghiêng qua bên trái để quá trình truyền máu cho thai nhi được diễn ra dễ dàng hơn.
Trong ba tháng cuối, chuột rút là tình trạng khó chịu mà nhiều bà bầu gặp phải. Co dãn, mát xa chân trước khi đi ngủ và thường xuyên tập thể dục sẽ giúp bà bầu hạn chế được tình trạng này.
Để phòng tránh bệnh trĩ, ngoài việc ăn nhiều rau xanh, bà bầu cần tránh ngồi một chỗ quá lâu. Sau khi ngồi được một giờ, bà bầu nên đứng dậy và đi dạo vòng quanh. Khi ngồi, bạn cũng nên nhớ cần ngồi thẳng và dựa lưng vào thành ghế.
Chăm sóc bà bầu về tinh thần.
Càng gần thời điểm sinh con, bà bầu càng cảm thấy lo lắng, bồn chồn và có thể là sợ hãi. Những cảm xúc này đều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn lẫn thai nhi nên việc giữ tâm trạng tốt trong giai đoạn này là điều rất cần thiết.
Bà bầu nên chia sẻ nhiều hơn với chồng, người thân và bạn bè về những cảm xúc hay lo lắng của mình. Họ không chỉ cho bạn những lời khuyên hữu ích mà còn có thể trấn an tinh thần đang có nhiều bất ổn của bạn. Bên cạnh đó, thay vì lo lắng, bạn nên vui vẻ đi mua sắm quần áo và những vật dụng cần thiết cho em bé sắp sinh của bạn. Điều này sẽ làm bạn phấn chấn hơn rất nhiều.
Chăm sóc bà bầu ba tháng cuối càng cẩn thận, chu đáo bao nhiêu thì quá trình “vượt cạn” sẽ càng trở nên dễ dàng bấy nhiêu. Vì vậy, bà bầu luôn phải chú ý trong việc ăn uống, tập luyện và sinh hoạt hàng ngày để luôn thấy khỏe mạnh và hạnh phúc khi chào đón con ra đời nhé!
Khả Di