Là bố mẹ, ai cũng mong con mình sinh ra được khỏe mạnh và phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan cũng như sự kém hiểu biết của bố mẹ đã làm suy giảm nhanh chóng hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các vi trùng, virus và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho trẻ. Do đó, hãy là những bố mẹ thông thái để biết cách tăng cường hệ miễn dịch cho bé các mẹ nhé!
Bài viết dưới đây hi vọng sẽ phần nào giúp các mẹ giải đáp vấn đề đó!
1. Giúp bé có hệ đường ruột khỏe mạnh
Theo các chuyên gia, khi bé có một lượng lớn các lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa bố mẹ có thể yên tâm rằng hệ miễn dịch của bé sẽ hoạt động tích cực và tốt nhất trong suốt quá trình phát triển của bé. Các lợi khuẩn giúp phòng thủ tự nhiên của cơ thể giúp cho bé được khỏe mạnh và ngăn ngừa các căn bệnh.
Vào những năm đầu đời, các lợi khuẩn đường ruột có tầm ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển và hình thành các cơ quan quan trọng cùng với chức năng miễn dịch. Do đó, ngay từ khi bé còn nhỏ mẹ cần giúp bé có hệ đường ruột khỏe mạnh bằng cách có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, hợp lý.
2. Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất qua 6 tháng
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể có ích cho hệ miễn dịch của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ chính là cách tốt nhất giúp trẻ phòng chống nhiều căn bệnh thường gặp như tiêu chảy, táo bón, dị ứng, viêm đường ruột,…
Để trẻ phát triển một cách toàn diện, các bà mẹ nên cho con bú trong vòng một năm hoặc ít nhất là vài tháng sau sinh để xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ.
3. Bổ sung cho trẻ các thức ăn có lợi cho hệ miễn dịch
Bên cạnh bổ sung các thực phẩm chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng với đa dạng nhiều hương vị, màu sắc bắt mắt để trẻ ăn không ngán mẹ cũng cần chú ý bổ sung các thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch của bé. Một số loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất như: Cam, đu đủ, dâu tây, táo, xoài… hay sữa chua và các chế phẩm từ sữa có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho bé.
Ngoài ra, mẹ nên kết hợp thịt, cá, trứng với các loại thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ như các loại rau củ giàu vitamin và chất xơ như cà rốt, súp lơ, cà chua, bí đỏ, rau dền… để bữa ăn của trẻ đầy đủ chất, ngon miệng và hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch.
4. Chăm sóc giấc ngủ cho bé
Chất lượng giấc ngủ có tầm quan trọng đối với sự phát triển của hệ miễn dịch. Trung bình, mỗi trẻ sơ sinh cần khoảng 15 – 18 tiếng/ngày để ngủ, còn trẻ tập đi cần 12 – 13 tiếng/ngày, còn đối với trẻ mẫu giáo cần 10 tiếng/ngày.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen ngủ sớm và thức dậy đúng giờ để tạo nên lối sinh hoạt khoa học, hợp lý cho trẻ.
5. Khuyến khích trẻ vận động
Việc khuyến khích trẻ vận động hàng ngày có tác dụng thúc đẩy những tế bào miễn dịch phát triển nhanh và lâu dài hơn. Đối với các bé bắt đầu tập đi trở lên, bố mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho bé vận động với các bài thể dục, những trò chơi đơn giản hay cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời để trẻ được hít bầu không khí tự nhiên, giúp phổi và hệ tim mạch được hoạt động tốt.
Còn đối với trẻ sơ sinh, có thể cho trẻ vận động bằng cách massage nhẹ nhàng khắp cơ thể, xoa bóp tay chân để giúp trẻ nhanh nhẹn, vui vẻ và tăng cường hệ miễn dịch.
Linh Ngọc