Những năm gần đây bệnh tay chân miệng là nỗi lo lắng của các gia đình có con nhỏ, hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh nên rất dễ gây ra biến chứng nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần tìm hiểu và biết cách phòng chống nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con yêu.
Bệnh tay chân miệng là loại bệnh gì?
– Bệnh tay chân miệng là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người này sang người kia qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.
– Biểu hiện của bệnh tay chân miệng thường là sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và ở vùng mông.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng
– Biến chứng của bệnh tay chân miệng thường rất nặng nề, gây viêm não, có thể dãn đến tử vong cao ở trẻ nhỏ và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng khác.
– Nguyên nhân lây lan bệnh tay chân miệng chủ yếu là do các em bé trong nhà trẻ đưa vật dụng, đồ chơi có chứa mầm bệnh vào miệng dẫn đến tình trạng bị lây bệnh. Ngoài ra, cũng có thể do trẻ ăn phải thực phẩm có ẩn chứ nguồn bệnh.
Cách phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ.
1. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng
Chú ý rửa tay, chân và tắm cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng. Người lớn cũng phải rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi chế biến thức ăn cho trẻ, trước khi bế ẵm bé, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho bé.
2. Nguồn thức ăn đảm bảo an toàn và vệ sinh.
Lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Đảm bảo nguyên tắc cho bé ăn chín, uống sôi. Vật dụng cho bé ăn uống phải được rửa sạch sẽ, trước khi sử dụng có thể ngâm, tráng cùng với nước sôi. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuyệt đối không mớm thức ăn cho bé. Không cho bé ăn bốc, mút tay hay ngậm mút đồ chơi.
3. Khử trùng đồ dùng và vệ sinh nơi sinh hoạt.
Cần phải thường xuyên khử trùng những loại đồ dùng bé tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, khăn ăn, khăn tay,… Các nơi sinh hoạt của trẻ cũng phải vệ sinh cẩn thận bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa khác, bao gồm tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà…
4. Xử lý chất thải của trẻ hợp vệ sinh.
Phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn sạch sẽ cho bé
5. Chú ý theo dõi phát hiện bệnh sớm.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi thấy biểu hiện lạ
Bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý theo dõi tình hình sức khỏe và các biểu hiện trên cơ thể của trẻ để kịp thời phát hiện ra bệnh tay chân miệng. Khi thấy con trẻ có những biểu hiện lạ hãy đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Nếu không may trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng hãy cách ly điều trị cho bé, nhằm hạn chế tình trạng lây truyền bệnh phát tán bệnh.
Nga (t/h)